Sự nghiệp văn chương Lưu Kỳ Linh

Năm 1941, Hoài Thanh - Hoài Chân đã viết trong cuốn Thi nhân Việt Nam về Lưu Kỳ Linh như sau:

Lưu kỳ Linh là anh ruột Lưu Trọng Lư. Nhưng thơ em nhiều người biết mà thơ anh ít ai hay. Kể cũng đáng tiếc. Thơ Lưu Kỳ Linh tuy mới nhưng đôi bài có cái nhẹ nhàng, cái kín đáo, cái vi diệu của những vần thơ xưa. Nó không huy hoàng, lộng lẫy. Trong vườn thơ nó chỉ là những bông hoa màu nhạt, hương thanh, e lệ nở trong một góc tường. Nhưng ai dám bảo là những bông hoa không quý?[2]

Năm 1968, tại Sài Gòn, Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng lại giới thiệu ông một lần nữa, đại để như sau:

Thơ của Lưu Kỳ Linh, có thể chia làm hai luồng: Đạo và Đời. Ý thơ trong luồng thơ Đời chứa đựng những lời tình tứ. Nó không lãng mạn như Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Huy Thông...nó rụt rè, nhút nhát, rất mơ tình và xa vắng. Đúng là thứ mộng tình tuyệt đối.Còn luồng thơ Đạo, thì khởi đầu từ khi thi sĩ đi viếng Hòa thượng Thập Tháp ở chùa Tây Hiên về (1942). Sau này, ông còn "kết duyên Đạo" với Đại đức Nhật Long nữa, và cả hai nhà sư này đã gây cho ông "cái cảm giác như được sống trong khí thoát trần"[1].